1.Lễ hội Hoa Ban

Tháng ba về như một lời hẹn ước, hoa ban lại nở rộ nhuộm tím trên những con đường như một món quà lãng mạn mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Điện Biên. Chính vì thế, vào thời điểm này, du khách từ khắp các mọi miền đất nước đều đổ về đây để có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng miền sơn cước. Lễ hội hoa ban cũng là một trong những lễ hội được mong chờ nhất của người dân bản địa.

Lễ hội Hoa ban được tỉnh Điện Biên thường tổ chức vào trung tuần tháng 3 hàng năm . Đến với “Lễ hội Hoa ban Điện Biên”, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều chương trình, hoạt động phong phú, đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc của vùng đất Điện Biên – Tây Bắc như: Chương trình nghệ thuật “Về miền Hoa Ban”; các hoạt động triển lãm tranh và quà tặng; thưởng thức ẩm thực “Hương sắc Điện Biên”; các cuộc thi đấu thể thao và trò chơi dân gian; trình diễn trang phục; lễ hội dân tộc; được ngắm những cánh rừng bạt ngàn hoa Ban, thăm quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, những danh lam thắng cảnh đẹp và tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Điện Biên.

2. Lễ hội Thành Bản Phủ.

Lễ hội thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) được tổ chức hàng năm vào các ngày 24, 25/2 âm lịch để tưởng nhớ công lao to lớn của lãnh tụ Hoàng Công Chất cùng tướng Ngải, tướng Khanh và nghĩa quân trong công cuộc giải phóng Mường Then – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ. Mở đầu phần lễ, âm vang tiếng trống oai hùng, trang nghiêm nổi lên trong không khí tưng bừng của ngày hội. Sau nghi thức chào cờ là một phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Chúc văn giỗ tướng quân gồm 3 phần: nhạc đệm hùng tráng, anh linh, tiếp đến là nghi lễ rước, dâng lễ vật và màn tái hiện lịch sử bằng sân khấu hóa.

3. Lễ hội Hạn Khuống

Hạn Khuống là một sinh hoạt văn hóa truyền thống lành mạnh, vui chơi, giàu sáng tạo qua lời hát truyện kể, không khí ấm cúng và tao nhã của người Thái Điện Biên. Đây là lễ hội được tiến hành sau vụ thu hoạch khoảng tháng 11 giữa mùa thu và mùa đông. Lễ Hạn Khuống thường được tổ chức trên một khoảnh đất rộng thoáng của bản. Tại đây thanh niên nam nữ dựng sàn cao khoảng 1,5m, có hàng rào bao quanh bằng phên mắt cáo, chỉ chừa một cửa ra vào. Cuộc vui mở vào ban đêm khi bếp lửa trại đỏ hồng. Thanh niên nam nữ đến hát, kể chuyện làm quen với nhau và thi tài khéo léo. Nam nữ hát đối đáp cho đến sáng mới chia tay nhau. Đêm hôm sau họ lại tiếp tục ca hát. Hạn Khuống do bên gái tổ chức, thực chất là cuộc vui tìm hiểu bạn đời.

4. Lễ hội ném còn Điện Biên

Trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái ở Tây Bắc, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu trò chơi ném còn. Để chuẩn bị cho ngày hội ném còn, các cô gái Thái đã chuẩn bị khâu quả còn trước vài tháng. Quả còn được bàn tay khéo léo của các cô thôn nữ Thái khâu bằng vải, hình trái còn to bằng quả cam lớn, bên trong có nhồi bông, cỏ mềm, vải vụn, hoặc hạt của cây bông. Bên ngoài còn được trang điểm bằng rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp.Sân ném còn được tổ chức trên khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng và dựng một cây tre dài từ 15-20m. Trên ngọn cột tre, ngoài lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của hội Xuân còn có một vòng tre đường kính ước khoảng hai gang tay, có quấn giấy đỏ. Vòng tròn dán giấy đỏ này coi như là tâm điểm để các đội thi nhau ném. Đội nào ném thủng tâm đó, coi như dành phần thắng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *