Lên vùng Tây Bắc, nếu có dịp ghé thăm nhà của người dân tộc Thái và thưởng thức món cá nướng. Du khách sẽ khó lòng quên hương vị độc đáo này. Người Thái có câu “cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú”, nghĩa là “gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho” để thể hiện sự tinh tế và sự quý trọng món ăn này. Theo tiếng Thái, “pa” có nghĩa là cá. “Pa pỉnh tộp” được hiểu là món “cá nướng gập”, mô tả đúng hình dáng của món ăn.
Đối với đồng bào dân tộc Thái các món ăn từ cá cùng với xôi nếp nương và các loại củ, quả là những thực phẩm quan trọng và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Nguyên liệu chính của món “pa pỉnh tộp” là cá suối và các loại gia vị. Món ăn này đặc biệt cả từ cách chế biến cho tới cách kết hợp các loại gia vị.
Món cá nướng (pa pỉnh tộp, nghĩa là cá gập nướng) thường có cách làm cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Trong đó, người dân tộc Thái thường sử dụng cá chép tươi, còn nguyên con để nướng.Tiếp theo, cá được sát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử bớt mùi tanh và chắc thịt. Những gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột… băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.
Cá được nướng trên than củi liu riu, khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị thơm nức mũi.Thịt cá nướng xong khô chắc, gỡ từng miếng thịt cho vào miệng sẽ cảm nhận được mùi thơm nức mũi của đủ vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt của các loại gia vị.
Khi cá vừa chín tới, người làm gỡ khỏi vỉ và bày lên đĩa. Mùi thơm ngọt của cá chín quyện hương nồng từ các gia vị tỏa ra đầy mời gọi. Nhiều thực khách miền xuôi khi nếm thử cũng phải cất lời khen hương vị độc đáo không lẫn với bất cứ món cá nào từng thưởng thức trước đó.