Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có độ sáng bóng, vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Ai đã từng được thưởng thức món xôi nếp nương thơm ngon do chính đồng bào các dân tộc chế biến sẽ cảm nhận được hương vị rất đặc biệt, khác hoàn toàn với những loại xôi khác đã từng thưởng thức trước đó. Cách đồ xôi nếp nương khá công phu. Gạo nếp phải đươc ngâm trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng.

Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của đồng bào dân tộc, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều. Màu sắc của xôi phụ thuộc vào nguyên liệu tạo màu là các loại lá, quả, củ, với các màu, đỏ, tím, vàng, xanh trông rất đẹp mắt.

Người dân tộc Thái thường dùng xôi nếp nương chung với cá nướng, thịt lợn nướng… Cá nướng được tẩm ướp cùng với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng có vị cay và rất thơm) cùng với ớt, sả, gừng, rồi nướng bằng hơi nóng lửa than hồng cho đến khi chín vàng mới đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những cái ếp xôi nóng hổi của người dân tộc Thái để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương. Thích thú vô cùng khi bạn vo tròn từng nắm xôi trong tay, nhẩn nha thưởng thức và khi xòe lòng bàn tay ra vẫn cảm thấy bàn tay mình sạch trơn, không có cảm giác bết dính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *